ĐỨC PHẬT
NHÀ ĐẠI
CÁCH MẠNG
---------------------------------------
· Thích
Thắng Hoan
(Bài này
đăng trong Đặc San Hoằng Pháp năm Quí Sửu 1975 của Tổng Vụ Hoằng
Pháp, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại quê nhà, tôi trích
ra để làm tư liệu trong Trang Nhà Thích Thắng Hoan).
Xưa nay
trên lịch sử loài người, chưa có nhà cách mạng nào đại tài như Đức
Phật Thích Ca. Ngài đã thành công vẻ vang trên đường cách mạng bản
thân, cách mạng xã hội và cách mạng tư tưởng để giải phóng con
người thoát ách nô lệ của Bà La Môn thống trị. Đường
lối và phương thức cách mạng của Ngài không giống những nhà cách
mạng khác, có thể nói đi trước thời đại và cũng là tiên phong cho
những phong trào cách mạng về sau. Sự cách mạng của Ngài khởi
điểm tại Ấn Độ, khởi đầu bằng sự thành đạo nơi gốc Bồ đề, sau bốn
mươi chín ngày nhập định, tìm ra lối thoát và lẽ sống cho chúng sanh.
Theo Ngài,
muốn cách mạng xã hội, phải cách mạng tư tưởng và trước hết phải
hoàn tất cuộc cách mạng bản thân.
Lịch sử
Ấn Độ cho biết, khoảng 3.000 năm trước kỷ nguyên, xã hội Ấn Độ theo
chánh thể Cộng Hoà với nền văn minh sẵn có gọi là nền văn minh
Panjab, thuộc vùng thượng lưu sông Indus. Nền văn minh nầy về sau,
khoảng 1.500 năm trước kỷ nguyên bị nền văn minh Rig-Veda của Bà La
Môn Giáo xâm lăng và tiêu diệt bằng cách đồng hoá.
Nền văn
minh Rig-Veda của giống Aryan, do Bộ Lạc Bhàrata cầm đầu, phát xuất
từ Trung Á Tế Á (Asia, ở bờ biển Caspienne, nay thuộc địa phận nước
Nga) mang đến đặt nền móng tại Ấn Độ. Khi xâm lăng,
giống Aryan chủ trương chia để trị và nô lệ hóa tư tưởng. Nhờ đó, họ thống trị được dân Ấn và củng cố được uy
quyền, suốt giòng lịch sử đến Phật Thích Ca ra đời. Chế độ
Cộng Hòa xưa kia tại Ấn đã bị thay thế bằng chế độ Quân chủ chuyên
chế của Bà La Môn và họ chia xã hội thành bốn giai cấp khắc khe,
sau khi bộ luật Manu được công bố. Quyển “Phật và Thánh chúng” (của
tác giả Cao Hữu Đính, trang 20-22), mục “Xã Hội Ấn Độ” có đề cập
đến bộ luật Manu như sau: “Luật Mã-Nỗ chia toàn thể lãnh thổ Ấn-Độ
của người Dravida thành Ngũ Ấn, và chia toàn thể dân chúng sống
trên lãnh thổ ấy thành bốn giai cấp, trong đó có hai giai cấp thống
tri là Bà La Môn và Sát Đế Lỵ,
còn hai giai cấp Phệ Xá và Thủ Đà La là hai giai cấp bị áp
bức... Luật Mã Nỗ, chương 8, tiết 270-272 quy định rằng Thủ Đà La là
giai cấp Trời sinh ra để làm nô lệ, rằng nếu Thủ Đà La kêu tên Bà
La Môn thì bị cắt lưỡi, rằng nếu không tuân lệnh của giai cấp thống
trị thì nấu dầu đổ vào lỗ tai v.v...
Chẳng
những xã hội Ấn Độ khổ đau vì giai cấp bất công, chính ngay thời Đức
Phật, Phụ vương Ngài cũng bị sự kềm kẹp của chế độ xâm lăng qua
Hội Đồng Quân Lực mà Bà La Môn cầm đầu trong mọi lãnh vực văn
hóa, chính trị, kinh tế v.v... Điều kiện đây được thấy
trong lịch sử Phật Giáo Ấn Độ, qua câu chuyện Vua Tịnh Phạm băn khoăn
trước ý chí xuất gia quá mạnh của Hoàng tử Sĩ Đạt Ta. Câu
chuyện rằng: Vua Tịnh Phạn sợ Thái Tử xuất gia, sau lời tiên đoán
của chiêm tinh gia A Tư Đà (Casita), hợp quần thần lại tìm kế hoạch
cầm chân Thái tử. Một cận thần Ưu Đà Di (Udãyin) đề nghị: “Chỉ có
sợi tóc của Mỹ nhân mới cột chân nổi kẻ anh hùng”. Vua Tịnh Phạn tán thành đề nghị ấy, liền tổ chức cuộc thi
Hoa hậu mà người chấm thi chính là Thái tử. Hoa
hậu được Thái tử chấm hạng nhất là Công chúa Gia Du Đà La
(Yasoddhara), con vua Thiện Giác (Supprabuddha) trong các chư hầu.
Theo lẽ, Vua Tịn-Phạn có thẩm quyền trên hết, nhất định
tổ chức lễ thành hôn cho Hoàng tử ngay sau khi cuộc thi Hoa hậu chấm
dứt. Ngược lại, vua bất lực trước quyết định trên, nguyên do
không được sự chấp thuận của Hội Đồng Quân Lực, mặc dù vua muốn
thực hiện ngay để sớm cản trở ý nguyện xuất gia của Hoàng tử.
Nguyên vì
muốn chiếm đoạt tình yêu của Hoàng tử đã chọn, vừa đẹp nhất, vừa
tao nhã lịch thiệp, phản thần Đề Bà Đạt Đa, (Devadatta), con của Bạch
Phạn Vương, anh em chú bác với Hoàng tử, tấn trình lên Hội Đồng Quân
Lực bắt buộc Hoàng tử muốn cưới vợ phải qua cuộc thi võ nghệ. Triều đình ai cũng biết Đề-Bà-Đạt-Đa tài nghệ cao cường,
lo sợ Hoàng tử không nào thắng được. Không
ngờ Hoàng tử đã thắng cuộc một cách vẻ vang trước sự hoan hô nồng
nhiệt của khán giả tham sự.
Như thế qua hiện tượng nói trên cũng đủ chứng minh giá
trị của vua chúa trước uy quyền tuyệt đỉnh Bà La Môn thời bấy giờ.
Để đả
phá giai cap bất công trên, Đức Phật ra đời châm ngòi cho cuộc cách
mạng xã hội. Ngài ra đời đúng lúc sự bất mãn chế độ giai cấp của
quần chúng đang lớn mạnh và lan sâu trong mọi
tầng lớp xã-hội.
Ngài ra
đời năm 563 năm trước Tây lịch, là một Thái tử duy n hất của nước
Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu), con vua Tịnh Phạn (Suddhodana), họ Cù Đàm
(Gautama), thuộc dòng quí tộc Thích Ca (Sakya). Nước Ca
Tỳ La Vệ nằm phía bắc nước Kiều Tát La (Kosala) hiện nay là nước
Népal.
Về phương
diện vật chất, Ngài sung sướng không ai bằng, Vua Tịnh Phạn cầu khẩn
khắp Đền Miếu mới sinh được Ngài. Vua quý trọng Ngài trên hết, xây
ba tòa lâu đài hợp với ba mùa để cho Ngài ở, cấp cung tần suốt
ngày đêm đờn ca múa hát để Ngài quên bổn phận của Dân tộc, của
con người, giải phóng nô lệ cho dân Ấn và giải thoát sinh tử cho
chúng sinh.
Để hoàn thành sứ mạng cao cả ấy, trước hết, Ngài thoát
ly gia đình ràng buộc, vượt thành xuất gia tầm đạo. Ngài ra đi, bỏ
lại sau lưng tất cả sự nghiệp huy hoàng của một vương quốc, bỏ lại
vua quan yêu chuộng, vợ con luyến ái, dấn thân khổ hạnh suốt sáu
năm trường và bốn mươi chín ngày nhập định nơi cội Bồ-đề. Ở đây,
Ngài một mặt chiến đấu với bản thân, một mặt chiến đấu với
hoàn cảnh cám dỗ. Kết quả cuối cùng cuộc
đời tầm đạo, Ngài chứng quả Bồ-Đề. Cùng một con người xát
thịt, Ngài khác hẳn về tính chất: tính chất con người giác ngộ đã
loại trừ hết tính chất phàm phu đầy phiền não vô minh dục vọng của
một Thái tử tầm thường và được thành chánh giác. Từ
đây, Ngài đã hoàn thành cuộc cách mạng bản thân.
Bước sang
giai đoạn cách mạng tư tưởng. Theo Ngài, dân tộc Ấn Độ bị đầu độc
bởi tư tưởng Bà La Môn ngoại lai. Họ đầu độc không ngoài mục đích
củng cố uy quyền chặc chẽ của một chế độ xâm lăng kéo dài hơn một
ngàn năm, bóp chẹt và giết chết mầm móng tư tưởng truyền thống tự
do của dân Ấn có tự ngàn xưa. Tư tưởng Bà La Môn
được thể hiện qua bốn bộ Kinh Rig-Veda, Brãhamana, Aranyaka, Upanishad
và sáu phái triết học. Đáng thương hại, dân tộc Ấn Độ lầm
nhận tư tưởng Bà La Môn ngoại lai cho là nguồn gốc của nền văn minh
nước họ và họ mặc nhiên trung thành phụng sự tuyệt đối. Tư tưởng
nầy, đa số đều xây dựng trên chủ nghĩa Duy Thần, để kiện toàn chế
độ Quân Chủ của chúng. Tư tưởng đây được thể hiện qua một “Đấng
sáng tạo” siêu nhiên, như các đấng Krishna, Vichnou, Purusha, Prajapati,
Brahma Brãhaman v.v... Họ quan niệm rằng, những đấng ấy giống như
loài
người, nghĩa là cũng có đầu, mình, tay, chân, mắt, tai, mũi, lưỡi
biết đi, biết ăn, biết nói, biết mừng, giận, thương yêu, oán, ghét
... Uy quyền tuyệt đối của đấng trên so với vũ trụ nhân sinh, cũng
như uy quyền của một ông vua chuyên chế đối với thần dân trong nước.
Đấng sáng tạo đó có quyền tạo thiên lập địa, ban phước giáng họa
cho nhân sinh, chẳng khác nào ông vua nắm trọn trong tay sinh mạng tất
cả thần dân v.v ...
Khi Đức Phật thành đạo, Ngài bắt đầu thực hiện cuộc
cách mạng tư tưởng vĩ đại, đả phá tất cả khuynh hướng cực đoan đương
thời bành trướng và đảo lộn luân lý xã hội Ấn Độ. Ngài
cực lực bài xích những tư tưởng đoạn kiến ngoại đạo thuộc chủ nghĩa
Duy vật và những tư tưởng thường kiến ngoại đạo thuộc chủ nghĩa Duy
thần ở trên. Những phái chủ nghĩa Duy vật này thuộc trong nhóm
“Lục sư ngoại đạo” như phái: Ajita-Kasakambalin, Pũranakãssãpa v.v...
Họ giáo dục con người chỉ biết sống hiện tại, tự do hưởng thụ dục
lạc, vô trách nhiệm tương lai. Quyển “Lịch sử Văn Minh Ấn-Độ” (của
tác giả Vill Durant mà Nguyễn-Hiếu-Lê dịch, trang 87), có đề cập đến
lời ông Ajita-Kasakamabalin: “Kẻ điên khùng cũng như người hiền triết,
chết rồi, thây rả ra thành cát bụi, tiêu diệt hết, chẳng còn gì
cả”. Tác giả tập Anh Hùng Ca Ramaya tả Jabali nhà Bác
học Bà La Môn hoài nghi, ngụy biện. Bác học Jaba bảo vị quan
hầu trẻ tuổi xứ Ayodhya rằng: “Này Rama, tại sao lại để những lời
cách ngôn tai hại đó làm mờ ám lương tâm, méo mó trí óc như vậy. Những cách ngôn đó đã làm cho bao nhiêu kẻ chất phác
không suy nghĩ phải lầm lạc? Ôi, ta thương hại những kẻ lầm
lạc đó cứ mãi miết đi tìm một bổn phận ảo huyền, phí thức ăn! Thần
và tổ tiên đâu có nhận tế lễ của ta! Và thức ăn
một khi phân phát đi rồi nuôi ai được nữa đâu. Thức ăn dâng cho một tu sĩ Bà La Môn, tổ tiên ta còn làm
sao dùng nó được nữa? Chính bọn tu sĩ quỉ quyệt đó đã đặt ra
lệ đó; chúng ích kỷ bảo ta: “ Dâng đồ cúng và
sống khổ hạnh đi, từ bỏ của cải hết đi mà cầu nguyện. Nhưng làm gì có thế giới vị lai. Rama
này, các hy vọng và tín ngưỡng của loài người toàn là ảo cả đấy:
Vậy cứ hưởng khoái lạc trên cõi trần này và từ bỏ các ảo tưởng
vơ vẩn vô ích đó đi”.
Đây là
chủ trương của phái Duy vật tai hại. Chính vì thế, một số người của xã hội Ấn Độ lúc ấy
thiếu bổn phận với con người, và hạnh phúc gia đình không được bảo
đảm vẹn toàn. Chủ trương trên gây bất mãn
trong quần chúng không ít.
Nhưng bạo phát bạo tàn, phong trào này không tồn tại
trước ánh hào quang của Đức Phật.
Đức Phật đưa ra tư tưởng “Chủ Nghĩa Bình Đẳng” để kiện
toàn cho cuộc cách mạng xã hội bằng lý thuyết “Trung Đạo Duyên
Khởi”. Ngài nói: “Ta là Phật đã thành các con là Phật sẽ
thành” hay “Nhất thế chúng sanh giai hữu Phật tánh” (nghĩa là tất cả
chúng sanh đều có Phật Tánh) được ghi lại trong các kinh và nhất là
trong bài kệ mở đầu Kinh Phạm Võng (trang 14 của Thượng tọa Trí Tịnh
dịch). Đây thật là biểu hiện tinh thần bình đẳng tột
độ. Tinh thần nầy được tiêu biểu trên hai phương diện: xã hội
và tâm linh. Đối với vũ trụ nhân sinh, Ngài chủ
trương “Nhân Duyên Duy Nghiệp” và thăng hóa con người bằng thuyết
“Trung đạo trí tuệ giải thoát”. Đó là đặc trưng
của Phật giáo trong cuộc cách mạng tư tưởng.
Song song với cuộc cách mạng trên, Đức Phật đả phá bốn
giai cấp xã hội Ấn Độ, di sản của Bà La Môn để lại. Ngài cho rằng:
Xã hội giai cấp là mầm mống thối hóa nguyên nhân chiến tranh, mọi
bất công đau khổ của con người cũng từ đây trổi dậy và làm cho con
người trở nên bạc nhược ương hèn trước những bạo lực bên ngoài đưa
đến. Cũng vì thế, dân tộc Ấn bị và chấp nhận lòn
cúi sự nô lệ của Bà La Môn xâm lăng qua bao thế kỷ, không trổi
dậy được. Ngài thường nói : “Con người
không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn, giọt máu cùng đỏ”. Tiêu biểu cho cuộc cách mạng xã hội. Giáo đoàn của
Ngài thâu nhận ông Upãli là người thợ cạo, và Matãnga là dâm nữ,
thuộc giai cấp Thủ Đà La (Sũdra) hạ tiện vào hàng Thánh chúng trước
sự ngạc nhiên của các vua chúa.
Đường lối và phương thức cách mạng của Ngài được xây
dựng trên tinh thần từ bi làm nền tảng và tinh thần bất bạo động
làm mục đích để thực hiện. Lịch sử Phật giáo Ấn Độ đã chứng
minh tinh thần nầy qua con đường truyền giáo và sự đối xử của những
kẻ ám hại Ngài do Bà La Môn cấu kết và chủ trương.
Sự thành đạo của Ngài chính là báo động trọng đại cho
chế độ Bà La Môn lưu tâm. Ngài bắt đầu truyền đạo tại nước
Magãdha để đặt nền móng Phật giáo cũng như mở rộng tư tưởng qua các
nước lân bang nhất định không tránh khỏi những đối kháng mãnh liệt
của Bà La Môn. Những tổ chức đối kháng ám hại Ngài được ghi trong
lịch sử Phật giáo như Cô Cinca, giả bụng chửa vu oan cho Phật, Phản
thần Đề Bà Đạt Đa (Devadtta) xô đaka tàn sát dòng họ Phật v.v... Những kẻ ấy vẫn được Ngài độ cho thành Phật không đối
xử như một kẻ thù. Nhờ thêm bạn bớt thù nầy, Ngài đã thành
công hy hữu lật đổ được chế độ độc tài cố hữu của Bà La Môn và
chiếm địa vị độc tông tại vùng Trung Ấn suốt dòng lịch sử đời Ngài. Sự chiến thắng nầy không phải bằng xương máu và nước mắt
mà ngược lại bằng tình thương bao la, đánh bại mọi tư tưởng đương
thời, san bằng mọi giai cấp xã hội. Trong khi
đó, những Giáo chủ khác, những nhà cách mạng khác trên thế giới
đều đổi lấy sự thành công bằng xương máu và nước mắt khổ đau của
con người.
Để kết luận, những đặc điểm trên đây, cũng nói lên
được giá trị của Đức Phật Thích Ca. Ngài xứng đáng là bậc vĩ nhân
trên hết trong tất cả vĩ nhân thế giới. Ngài không còn
là con người của dân tộc Ấn Độ tôn thờ, mà của chung
tất cả nhân loại noi gương. Đường lối và phương thức cách mạng của
Ngài không những khuôn vàng thước ngọc cho dân tộc Ấn Độ mà chung cho nhân loại muốn thực hiện cách mạng xã hội
mai sau.
Phương
pháp ấy đã được Thánh Gandhi áp dụng năm 1891 chống lai sự đô hộ
nước Anh, và năm 1963, Phật giáo ViệtNam đem ra chống lại chế độ độc
tài Gia đình trị họ Ngô. Tất cả đều thành công rực
ỡ. Hy vọng chủ thuyết của Ngài sẽ được khai
triển tột đỉnh và trở thành trọng điểm công thức cho tư trào cách
mạng tương lai trong xã hội văn minh.