QUÁN NHƯ MỘNG

 

Tác giả: Cư sĩ LÝ NHẤT QUANG

Dịch giả: THÍCH THẮNG HOAN

 

(Trích trong Phật Pháp Dữ Khoa Học Đích Tỷ Giảo Xiển Thích)

 

 

      “Nhân sanh như mộng”, đây là điều suy nghĩ của người phàm phu thường than thở như thế! Cho đến người sống ở đời xem các pháp cũng giống như thế. Thật ra họ không biết làm cách nào từ trong mộng huyễn có thể tỉnh trở lại được. Tại sao họ không biết? Nguyên vì họ không có lòng tin tông giáo và không có dày công tu dưỡng, lại chưa từng học Phật, lẽ đương nhiên không biết ý nghĩa của chữ “Phật”. Còn chúng ta bình thường cũng chỉ có thể căn cứ trên mặt chữ nghĩa để tìm ra một giải đáp: “Phật nghĩa là giác ngộ, giác ngộ lý chân thật của các pháp và phân biệt một cách rõ ràng.”  Giải thích như thế nói chung cũng vẫn không thể minh bạch được một cách cứu cánh của nó. Thế thì do nguyên nhân gì? Nguyên nhân chính là anh chưa thành Phật, tôi cũng chưa thành Phật và mọi người đều chưa thành Phật. Chúng ta đều không có kinh nghiệm (tức hiện lượng) của sự thành Phật. Chúng ta đã hành động không ra ngoài hiện lượng và dùng hiện lượng để thuyết minh hình như cũng khó mà nhập môn, chỉ căn cứ nơi tỷ lượng để lý giải ý nghĩa của chữ Phật đấy thôi. Trong các tình trạng chung, mọi người dường như chỉ sử dụng mộng mơ làm tỷ lượng để so sánh cho thích hợp. Điều đặc biệt mọi người trong mộng mơ lại có một hạng kinh nghiệm, xin quán sát bản đồ sau đây sẽ thấy tình trạng một đối một với nhau giữa trong mộng và ban ngày: (Xem bản đồ thứ nhất).

 

 

 

 

 

 

 

 

                     

 

 

 

                         BAN NGÀY                                 TRONG MỘNG

 

 

 

 

 

 

 

 

 

      Ở trong mộng, có sơn hà đại địa, có cha con, có chồng vợ, có anh em, có kẻ oán người thân, có khổ vui, có đẹp xấu và khi đã tỉnh mộng, cảnh mộng thảy đều không. Còn ở ban ngày, chỗ giống nhau với cảnh mộng là: cũng có sơn hà đại địa, có cha con, có chồng vợ, có anh em, có kẻ oán người thân, có khổ vui, có đẹp xấu và khi đã giác ngộ, tất cả cũng đều không. Ngay lúc giác ngộ tất cả đều không, cho đến mọi người cũng vẫn là không và họ không bao giờ sanh trở lại. Vấn đề đây nhất định ai cũng nghi vấn, ngay cả chính mình cũng giống nhau là khó tin tưởng. Tại sao thế? Liền trả lời rằng: tại anh chưa giác ngộ, tôi cũng chưa giác ngộ, đối với vấn đề giác ngộ thì lại bỡ ngỡ, mọi người đều không có kinh nghiệm về vấn đề giác ngộ đều này. Cho nên chúng ta chỉ có cách đem toàn bộ của tất cả ban ngày trở lại quán sát trong mộng thì nhận thấy tất cả mọi vật ban ngày cũng giống như cảnh mộng và khi tỉnh mộng cũng tức là giác ngộ. Nhờ đem thế giới hiện thật đây mà lãnh hội được cảnh mộng và ngay khi tỉnh mộng tất cả đạo lý đều không; nhờ lãnh hội được cảnh mộng mới có thể giác ngộ được tất cả mọi thứ cảnh giới thấy nghe thảy đều do nơi Thức biến hiện.

 

      Cũng từ nơi đây tiến thêm một bước, giải thích sâu thêm một chút. Nơi luận Đại Thừa Khởi Tín giải thích: “Tất cả các pháp đều nương nơi vọng niệm mà có sai biệt; nếu lìa tâm niệm thì không có tướng của tất cả pháp.” Ý đây nói rằng, tất cả hình hình sắc sắc thường ngày của chúng ta đều do chúng ta vọng niệm sanh khởi, giả sử đem vọng niệm trừ khử đi thì tất cả cảnh giới của các pháp cũng không có, gọi là Không, cũng tức là đạt đến cảnh giới của Phật. Như thế xin lập lại lần nữa, chỉ cần đem vọng niệm tẩy trừ cho tiêu mất thì tất cả đều không. Nhưng trên thực tế, chúng ta luôn luôn hiểu rằng khó dùng đức tin nhận xét để trừ khử vọng niệm trở thành chân thật được; nó cũng không có quan hệ với kinh nghiệm (hiện lượng). Ở đây chỉ có thể từ nơi tỷ lượng trong mộng mà quan sát, đương nhiên chỗ tốt nhất là chúng ta khi ngủ trên giường bổng nhiên giấc mộng phát khởi, liền xuất hiện các thứ cảnh giới; những cảnh giới đây sanh khởi như thế nào? Chúng nó đích thực là do vọng tưởng sanh khởi. Giả sử vọng tưởng đem trừ khử đi thì cảnh mộng kia tức khắc tiêu mất không còn dấu vết. Cho đến mộng kia cũng không còn. Những cảnh giới ở ban ngày cũng giống đạo lý này, những vọng tưởng ở ban ngày nếu trừ khử đi thì tất cả đều giống nhau là không.

 

      Nói đến đạo lý trên, theo Phật học thường dùng những gì trong mộng để tỷ lượng? Nguyên nhân mộng là hư huyễn mà ai cũng đều biết; tất cả sự sự vật vật trong thế gian cũng là hư huyễn không thật. Cuối cùng chúng nó như thế nào cũng đều là mộng. Đối với vấn đề này, chúng ta chỉ vì ở trong mê mất đi bản tánh của mình, cho nên rất khó hiểu biết được. Giờ đây, trước hết đem ý nghĩa hai chữ thế gian hơi giống để trình bày:

 

      Ý nghĩa của Thế Gian chính là biến đổi lưu chuyển vô thường, là hư vọng giả dối không thật, có thể chế phục được nó, có thể phá hoại đoạn diệt được nó; các pháp bị đọa vào trong cõi này gọi là thế gian. Vô thường nghĩa là tất cả sự vật trong thế gian, do ở trong thời gian và ở trong không gian biến đổi lưu chuyển không ngừng. Còn không thật nghĩa là tất cả vật chất phân tích đến cùng cực, rốt cuộc không đạt được thật thể đơn thuần của chúng. Nhơn vì vô thường cho nên có thể chế ngự, nhơn vì không thật cho nên có thể đoạn diệt. Nhưng có chỗ cho rằng tất cả pháp thế gian là giả tướng do tâm biến hiện. Giả tướng phân làm hai loại:

 

·       Một là “Giả tướng liên tục”: nghĩa là dụ như điện ảnh và một đốm hỏa châu chuyển biến thành hình vòng, vấn đề này biết rất rõ là do giả tướng liên tục hình thành.

·       Hai là “Giả tướng hòa hợp”: nghĩa là giống như trong Hóa Học có 90 thứ nguyên tố hòa hợp mà thành các hình sắc, các thứ vật chất trong thế gian, mỗi nguyên tố lại do các hạt trong điện tử..v..v.... hòa hợp lại thành. Nhưng điện tử lại không phải đơn thể, cho nên chung cuộc không tìm được thật thể của nó. Vật chất là như thế, thân thể vật chất của chúng ta cũng giống như thế.

 

  Còn tinh thần thì cũng biến thuyên giống như trên, cũng buồn, giận,

mừng, vui không có nhất định. Cho nên tất cả đều biến chuyển hư vọng không thật, so với cảnh mộng lại cũng có hai thứ như thế nào? Hảy suy nghĩ lần nữa để xem, ngày hôm qua tụ tập, ngày nay an trụ nơi chỗ nào? Có chỗ nói rằng: “Hôm nay giác ngộ đôi khi không phải hôm qua”. Từ đó có thể biết thêm “Hôm nay giác ngộ đã không phải tthì vị lai cũng không phải.”

 

      Chúng ta đã biết rõ những lý do trên, từ đó có thể dùng nó để giải thích rất nhiều ý nghĩa của Kinh văn:

 

      1.- Cảnh giới của Niết Bàn: Có người cho rằng cảnh giới của Niết Bàn không thể trình bày; tại sao thế? Nguyên vì mọi người đều ở trong mê, lại còn ở trong mộng, phát ra những lời nói đều là ngôn ngữ mộng, đã ngôn ngữ mộng thì mỗi mỗi lời nói không có chỗ chứng đắc. Liền bảo Niết Bàn là chỗ không sanh không diệt, nói như thế có nghĩa là chúng ta hoàn toàn không có thể nghiệm sâu sắc đến cảnh giới chân thật của Niết Bàn, nguyên vì chúng ta thiếu sót kinh nghiệm (hiện lượng) của Niết Bàn. Giờ đây chúng ta sử dụng giấc mộng để giải thích: ở trong mộng có sanh tử, có khổ vui, có lo mừng, khi tỉnh mộng thì tất cả đều không. Cho nên trong quá trình của nhơn sanh, chỗ giống nhau cũng có sanh tử, có khổ vui, có lo mừng, lại cũng có các thứ cảnh giới đối đãi; còn đề cập đến cảnh giới Niết Bàn thì không sanh không tử. Vì thế mới cho rằng cảnh giới Niết Bàn thì hoàn toàn tịch tịnh và tròn sáng, không có vấn đề tử sanh. Chỉ có từ nơi mộng và tỉnh là chỗ nhiều lần tư duy, nhờ đó thể nghiệm được tình trạng tưởng tượng của cảnh giới Niết Bàn, nơi đó không có vấn đề buồn lo và cũng không vui mừng. Như trên đã nói khi mộng thì có vấn đề buồn lo và vui mừng, còn khi tỉnh mộng thì sao lại có vấn đề buồn lo và vui mừng được? Cảnh giới Niết Bàn thì cũng giống như thế, nghĩa là cũng giống như trường hợp tỉnh mộng.

 

2.- Kinh Kim Cang nói rằng: “...... như thế chúng sanh vô lượng, vô số,

biên được diệt độ, thật không có chúng sanh được diệt độ. Tại sao thế? Này ông Tu Bồ Đề, Bồ Tát nếu như có tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức là không phải Bồ Tát.” Xin giải thích yếu nghĩa của đoạn kinh văn đây, trước hết đem chúng sanh vô lượng, vô số, vô biên và tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng sanh, tướng thọ giả quy về từ trong cảnh mộng mà suy cứu. Ở trong cảnh mộng tất cả đều tồn tại, nhưng đến khi chúng ta tỉnh mộng, lập tức biết rõ tất cả đều không chỉ giả hiện không thật. Do đó nói rằng ngay khi ở ban ngày chúng ta thấy được chúng sanh vô lượng vô số vô biên đáng độ và thấy được sự sai biệt của ngã nhơn chúng sanh thọ giả, nhưng đến khi chúng ta giác ngộ thì tất cả cũng là không. Cho nên Bồ Tát nếu như còn dùng tâm phân biệt thấy chúng sanh đáng được độ và còn phân biệt ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả thì Bồ Tát như thế còn ở trong mộng, còn mê chấp sự lý, lẽ đương nhiên không phải là Bồ Tát.

 

      3.- Kinh Kim Cang cũng nói rằng: “Bồ Tát ở nơi pháp, nên dùng vô trụ mà thật hành việc bố thí. Chỗ gọi là không trụ nơi sắc để bố thí, không trụ nơi thinh, hương, vị, xúc, pháp để bố thí.......” Lý này trước hết nói đến một công án. Lúc đầu Lương Võ Đế tạo lập cứ năm thước một ngôi chùa, mười thước một cái am, độ tăng ni vô số, có người hỏi Tổ sư Đạt Ma có công đức không? Tổ sư Đạt Ma đáp: “Hoàn toàn không có công đức!” Lương Võ Đế tạo lập tự viện am đường nhiều như thế làm gì không có công đức? Người thường hiểu biết chung cho lời nói không thông. Giả sử những việc làm đích thật của Lương Võ Đế nếu như đem vào trong cảnh mộng để suy cứu thì chỗ tạo lập tự viện am đường trong cảnh mộng, nếu như được lợi ích đi nữa cũng là ở trong cảnh mộng, chỗ làm việc thiện cũng vẫn là việc thiện trong mộng; đến khi giác ngộ thì tất cả đều không. Xin nói lại thế này, làm thiện là mộng, làm ác cũng là mộng, nhất định có người lãnh hội lời nói này bảo rằng: dứt khoát không làm gì cả là không tốt hay sao? Kỳ thật khi nói đến câu thoại đầu này, người đó vẫn ở trong cảnh mộng và lời nói của họ cũng vẫn là lời nói mộng và việc làm mộng của họ vẫn tiếp tục không dứt; việc mộng vẫn làm chỉ là ác mộng, thống khổ lại càng thống khổ, cố nhiên phải nói việc tốt mới là yếu tố. Những yếu tố việc tốt để làm là (lục độ, vạn hạnh) cần phải dùng vô trụ thì mới không bị hội nhập một thứ hiện tượng trụ vào mê giống như mộng và nhờ đó đạt đến được chỗ thanh tỉnh (giác) và ngay lúc đó có thể thành Phật.

 

      4.- Kinh Kim Cang nói rằng: “Phàm chỗ có tướng đều là hư vọng, nếu thấy các tướng không phải tướng tức là thấy Như Lai.” nếu so với trong Kinh A Di Đà nương theo tướng cầu sanh Tịnh Độ, như thế không phải là mâu thuẩn sao? Câu hỏi đây cho biết quý vị đã ở một góc độ nào đó để nhìn, giả sử quý vị đứng ở góc độ nơi ngôi vị Phật (Phật tức là giác ngộ, giác ngộ tất cả đều không, tức là chỗ thấy các tướng không phải tướng) để nhìn xuống thì thấy, (Như đồ hình trình bày) thế giới Cực Lạc lại ở trong mộng tốt; nhân vì trong cõi đó đã có sẵn ao bảy báu, nước tám công đức, các thứ trang nghiêm tồn tại, những hiện tượng đấy đều là tướng và đã có tướng thì cũng thuộc về mộng cả.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


    (Chú thích: ở trong Tập Tịnh Độ của Đại sư Ngẩu Ích giải thích: Căn cứ nơi tương đối mà luận, người sinh hoạt nơi cõi ta bà thì mộng càng thêm, người cầu sanh Tịnh Độ khi tỉnh mộng cũng vậy, nhưng không thể không cầu sanh. Còn căn cứ nơi tuyệt đối mà luận, hoặc là nghiệp cảm hoặc là ác mộng nơi ba cõi, nếu niệm Phật để sanh nơi Tịnh Độ thì cũng thuộc về mộng tốt, nhưng không thể không cầu sanh.)

 

      Ngược lại nếu quý vị đứng ở góc độ nơi ngôi vị phàm phu để nhìn lên thì thấy (Như đồ hình trình bày), nơi thế giới Cực Lạc chính là vị trí của giác ngộ. Thế giới đó có những vị trí giác ngộ như sau: có vị trí mang danh Quán Hạnh Giác là cõi Phàm Thánh Đồng Cư đã thành tựu vãng sanh, có vị trí mang danh Tương Tợ Giác là cõi Phương Tiện Hữu Dư đã thành tựu vãng sanh, có vị trí mang danh Tùy Phần Giác là cõi Thật Báo Trang Nghiêm đã thành tựu có thể vãng sanh, có vị trí mang danh Cứu Cánh Giác là cõi Thường Tịch Quang đã thành tựu liền được vãng sanh. Nói chung là giác ngộ có rộng, có hẹp, có sâu, có cạn, vị trí gần Phật gọi là Đại Giác, cho nên đức Phật được xưng là Thánh Thân Đại Giác. Giác ngộ có lớn có nhỏ cũng chính là chỉ cho ý chí hoạt động có rộng lớùn có nhỏ hẹp của chúng ta. Ở nơi điểm này chúng ta cũng có thể dùng lại vấn đề mộng để suy cứu ý chí tự tại của thế giới Cực Lạc; chúng ta ban đêm đang nằm mộng lại còn bị mê rất nặng, cho nên gặp phải khốn đốn rất nhiều (tức là bị ác mộng thường xảy ra). Nguyên do ý chí không chịu chúng ta chi phối, vì thế thống khổ đàn áp trùng trùng. Nhưng khi ban ngày trở lại là trạng thái tỉnh giấc, ý chí hoạt động của chúng ta đã được tự do tương đối và nhờ đó một số lạc thú cũng có kết quả khá nhiều. Căn cứ theo những yếu tố đây, chúng ta có thể suy cứu mà biết được thế giới Cực Lạc đã đạt đến địa vị giác ngộ, cho nên ý chí hoạt động ở nơi đó cũng được tự tại một số. Đúng như trong Kinh đã nói, muốn mặc thì được mặc, muốn ăn thì được ăn, lời nói quyết định không hư dối.

 

      5.- Chúng ta cũng có thể dựa theo đồ hình đã trình bày ở trên mà quán sát để tăng thêm tin sâu nơi thế giới Tây Phương Cực Lạc, nghĩa là chúng ta nhờ nguyên lý này có thể vãng sanh Tịnh Độ: Trong Tịnh Độ, căn cứ trình độ mê ngộ phân làm bốn cõi: cõi Phàm Thánh Đồng Cư, cõi Phương Tiện Hữu Dư, cõi Thật Báo Trang Nghiêm và cõi Thường Tịch Quang. Chúng sanh vãng sanh nơi cõi Phàm Thánh Đồng Cư thì không biết tình hình nơi ba cõi trên; chúng sanh được sanh nơi cõi Phương Tiện Hữu Dư thì không biết tình hình nơi hai cõi trên, nhưng có thể biết nơi cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Còn hai cõi kia cũng dùng cách suy cứu đây để phân loại. Chúng ta suy luận phân tích sự quan hệ các thứ tình hình nơi bốn cõi Tịnh Độ vừa kể, cũng chỉ là lý luận suông mà không có kinh nghiệm, nguyên vì chúng ta chưa vãng sanh Tịnh Độ, sự hiểu biết tổng quát nơi bốn cõi Tịnh Độ nói trên cũng không đủ điều kiện để có thể tin sâu được. Chúng ta hôm nay chỉ còn phương pháp duy nhứt là dùng cảnh giới mộng đối chiếu cảnh giới lúc tỉnh mộng để so sánh. Quí vị và tôi hiện tại đều sống ở trong cảnh giới mê hoặc (mặc dù ban ngày), hoàn toàn không biết chút nào về bốn thế giới Cực Lạc kia, chỉ biết được tất cả tình hình cơ sở đang sống trong cảnh mộng; cũng thế chúng ta khi ở trong cảnh mộng thì đối với cảnh giới lúc tỉnh mộng đều không biết chi cả. Nếu quả thật con người khi ở trong cảnh mộng mà có thể biết được cảnh giới lúc tỉnh mộng thế là họ tức khắc tỉnh lại ngay và lúc đó cảnh mộng cũng lập tức tiêu mất; cho nên con người một khi đã giác ngộ thì  cũng tức đã tỉnh mộng. Lý lẽ này so sánh với cảnh giới chúng ta đang sống thì cũng giống nhau, như: chúng ta hôm nay đang ở đây cho là sống trong thế giới chân thật (hiện đang ở ban ngày), cảm nhận cái vui ngũ dục ( tài, sắc, danh, thực, thùy) trói buộc, mê hoặc bản tánh chúng ta, sống mơ hồ giống như ở trong mộng và cũng không biết rõ có thế giới Cực Lạc hiện hữu tồn tại bên kia. Giả sử chúng ta nếu quả thật biết rõ có thế giới Cực Lạc bên kia thì liền khi đó chúng ta luôn luôn lúc nào cũng không mê mất tánh giác này (chỉ cho thế giới Cực Lạc), và ngay lập tức liền sanh Tịnh Độ mà không phải đợi đến một niệm lúc lâm chung. Nếu vậy có người lãnh hội hỏi rằng: hiện tại chúng ta không phải đã giác ngộ biết có thế giới Cực Lạc hiện hữu tồn tại sao? Vàø tại sao chúng ta không thể lập tức vãng sanh? Thật ra chúng ta hiện tại chỉ giác ngộ qua nói năng nơi trong miệng mà thôi, (như miệng nói đến lửa, nhưng lửa đó không đốt cháy được), còn trong tâm thì chưa giác ngộ, tâm và miệng cả hai hoàn toàn không hoà hợp nhau. (Tâm và miệng giả như hoà hợp nhau, khi miệng nói đến lửa thì lửa đó có thể đốt cháy được). Đúng vậy lời nói giác ngộ ở trong miệng không khác nhau với lời nói ở trong mộng,   thế mộng vẫn y như cũ tiếp tục xuất hiện. Cho nên chúng ta nhất định phải phát nguyện xa lìa năm thứ dục để được sanh vào nước Cực Lạc, chúng ta cần phải thường xuyên tập luyện không cho mê mất tánh giác (tức là niệm Phật) thì tâm và miệng mới có thể hoà hợp nhau, đồng thời thế giới Cực Lạc hiện tiền liền được bước vào.

 

      6.- Vạn pháp đều do tâm tạo, tâm và vật của Phật Giáo thì hoà hợp nhau thành một thể; tâm thì thuộc về dụng và vật thì thuộc về tướng. Nhờ tướng của vật mà biết được tâm dụng của con người như thế nào. Lý do tại sao? Ở điểm hiện lượng này cũng rất khó trình bày cho rõ ràng, giờ đây chúng ta đem vấn đề mộng làm tỷ lượng để so sánh cho thích hợp. Lúc chúng ta ở trong mộng các cảnh giới đột nhiên xuất hiện, sau đó chúng ta khi tỉnh mộng liền nhớ lại những ký ức trong mộng và biết rõ tất cả những cảnh giới mộng kia là do tâm hiển hiện; nhờ những cảnh mộng kia mà chúng ta biết được tướng mạo của tâm mộng. Tình trạnh ban ngày cũng giống như thế, tất cả thấy nghe ngộ biết đều là chỗ của tự tâm, tất cả cảnh giới cũng đều là chỗ hiển hiện của tâm. Cho nên mới nói vạn pháp đều do tâm tạo. Thông thường người ta nói lương tâm tốt và lương tâm xấu. Lương tâm tốt hay xấu của con người ai cũng không thể nhìn thấy được và cũng không thể từ nơi hành động của con người mà quan sát thấy được sự xuất hiện của nó. Nó thường ngày chỉ cảm giác được trong hoàn cảnh sanh hoạt hơn kém của con người mà thôi và nó tức là tướng của tâm chúng ta đấy.

 

      7.-  Kinh Kim Cang nói rằng: “ Tất cả pháp, tức không phải tất cả pháp, thế mới gọi là tất cả pháp.” Trước hết đem câu này đổi thành một pháp gì đó để nhận xét, như đem đoá hoa làm đề tài: “Đoá hoa, tức không phải đoá hoa, thế mới gọi là đoá hoa”, đoá hoa đây ai ai cũng đều nhìn thấy: nó là màu hồng, là màu trắng, là màu tím, là hoa tươi đẹp đẽ thơm tho; đây chính là người ta chấp trước quan niệm cho đoá hoa là thật có, nhưng đúng ra nó chính là giả có. Đoá hoa đây sớm mai thì tươi đẹp thơm tho, nhưng đến chiều thì tàn úa, đó tức là không phải đoá hoa. Nó chính là không, do nhân duyên hoà hợp mà thành, giống như đoá hoa trong mộng, cho nên gọi tức không phải đoá hoa. Thế mới gọi là đoá hoa, nghĩa là ý nói đoá hoa đây chính là hoa của tâm địa hiện ra. Nhờ hoa mà biết được tâm địa của chúng ta, hoa chính là tâm địa của chúng ta đấy, là đoá hoa thật tướng, nó không phải Không và cũng không phải Có, liền có liền không, tức là Trung Đạo vậy. Đoá hoa đây là một loại pháp của tất cả pháp, đoá hoa của một pháp là như thế thì tất cả pháp lại cũng như thế.  Cho nên mọi việc mà chúng ta sanh hoạt thường ngày đều có thể sử dụng ba pháp quán Không, Giả, Trung Đạo để thể nghiệm và nhờ đó mới không bị ngoại cảnh mê hoặc.

 

      8.- Cái Không, có người nói cái Không trong Phật Pháp không phải là cái Không của Ngoan không mà nó chính là cái Không trong cái không của Diệu Hữu. Ngoan không và Diệu không phân biệt như thế nào? Như trong Kinh nói: “Pháp Thân của Như Lai xét đến cùng chính là tịch tịnh, dụ như hư không.”  Lời nói trên nhất định có người hiểu lầm cho hư không chính là cái Không của Diệu không; hiểu như thế là sai lầm. Thật tế mà nói, chúng ta đối với cái Không ở đây không một chút nào có kinh nghiệm cả và cũng rất khó có thể tiến vào cánh cửa của nó. Cho nên phải dùng cái mộng làm công việc so sánh để quan sát nó. Khi ở trong mộng, chúng ta mộng thấy trạng thái hư không và quan niệm cho cảnh giới hư không đây thật có tồn tại, vì thế mới có cái mộng phát khởi; sự tồn tại của hư không nói trên chính là ở trong mộng vậy! Hiện tượng này quyết định không thể cho là tỉnh được. Chúng ta chỉ khi nào tỉnh lại mới biết những sự vật (tức hư không) ở trong mộng đúng với sự thật chính là không; Cái không ở đây có thể gọi là Chân không diệu hữu. Lý lẽ này giống nhau với Hư không của Phật Pháp quan niệm, nghĩa là chúng ta sau khi giác ngộ thì mới biết được chân không của vũ trụ vạn hữu và vạn hữu chân thật đây chính là Chân không diệu hữu vậy.

 

      Những điều giải thích ở trên hoàn toàn dùng tỷ lượng để trắc nghiệm lời nói của bậc Thánh (Thánh ngôn lượng). Vì có một số người ngộ nhận xin đề cử dưới đây để dẫn giải:

 

      a. Cái Không mà nơi văn Kinh thường nói thì cũng giống như ở trước trình bày đều thuộc về loại mộng, đã là mộng, đã là không thì cần gì phải bận rộn vất vả đi làm suốt ngày? Người nào nói những lời này, thường có những tư tưởng (vọng tâm) tồn tại thì người đó phải chịu ở trong mộng lâu đời. Khi ở trong mộng, họ lại thọ nhận những cảnh mộng chi phối, chịu đựng những định luật nhân quả khống chế, trốn không thoát khỏi cảnh giới mê hoặc. Lẽ cố nhiên thiết thực hơn mặc dù đang ở trong mộng, con người cần phải đi làm việc, làm càng chân thật và càng lâu năm thì mới có thể được những mộng thốt (báo ứng tốt). Nếu không như thế, ác mộng lại đến vĩnh viễn khó xa lìa và trường mộng trở nên dầy dặc không kỳ hạn. Chỉ có một phương pháp là làm cách nào khiến cho cái Không chân thật xuất hiện thì mới có thể thoát ly được thế giới mộng mê.

 

      b. Lại có một hạng người lãnh hội vấn đề đây nói rằng: “Giáo lý Phật Giáo nói mộng nói không, thật ra đem người đang nằm mộng để xem thì nhận thấy họ rất tiêu cực!” Đây là một thứ hiểu lầm, con người đang nằm  mộng quyết không phải tiêu cực. Phải nói chúng ta đang sống đây không khác như người đang ở trong mộng; chúng ta đang sinh hoạt trong tư tưởng của mê hoặc, đang hành động trong cảnh giới của mộng mê. Chỗ nói năng chỗ làm việc của chúng ta đều sai lầm, những sự việc của chúng ta làm cũng giống như những sự việc ở trong mộng. Khác nào người mê quên mất phương hướng, nhận lầm phía đông cho là phía tây, càng đi càng xa, nên gọi họ là người mê. Con người cũng vì mê nên mới có quan niệm phương hướng, mới phát khởi vấn đề mê cùng không mê. Giả sử nếu hoàn toàn ly khai quan niệm phương hướng (tức là ý nghĩa chân không), người mê không hội đủ điều kiện để thành lập. Vì thế trong Phật Pháp nói mộng nói không, là mục đích khiến cho chúng sanh thức tỉnh dể thoát ly được huyễn cảnh.  Cố nhiên trong Phật Pháp cho hành vi và tư tưởng hướng thượng trên đây là vô cùng tích cực.

 

      c. Lại cũng có một hạng người hiểu lầm như trên bảo rằng: “Người đang mộng xem ra cũng tốt, cần gì phải tỉnh lại, đã là một vũ trụ không nào có thú vị bao nhiêu? Hơn nữa mọi người trên thế giới đều đi tu hành làm hoà thượng cả thì ai lại đi kiến lập chi cái xã hội này?” Vấn đề đây bảo chúng ta trước hết nên nhìn xem cái xã hội này là mộng ác nhiều hay là mộng tốt nhiều? Giả sử mộng tốt nhiều lại còn bảo nó đi làm việc, nhưng trên thực tế, con người mặc dù được nhiều mộng tốt hoặc làm được nhiều công việc tốt, mà vẫn không thoát khỏi tám cái khổ: sanh, già, bệnh, chết, thương yêu nhau bị xa lìa, thù ghét nhau cứ gặp nhau mãi, hy vọng không thành, năm ấm xí thạnh. Ngoài ra còn có các thứ thiên tai nhơn họa, thật là kể không hết. Trong những hiện tượng trên, chọn một người bệnh để bàn, thân thể người bệnh nổi đầy mụn nhọt, họ đi cầu thầy cho thuốc, nhờ cầu thầy nên sung sướng được khỏi bệnh. Nếu như có người báo cho người khác biết: Đây là mộng, các ông nên tỉnh lại đi! Như thế xin hỏi quý Ngài, có nên chọn con đường cầu thầy cho thuốc hay là cầu tỉnh lại (tức là theo sự tu hành)? Đương nhiên mục đích chúng ta học Phật là muốn tỉnh lại từ nơi mộng, muốn thoát ly cảnh giới giả khổ để thành tựu đại giác, tế độ quần sanh. Cuối cùng xin dẫn chứng bài kệ của kinh Kim Cang quán chiếu đối với các pháp để kết thúc đoạn văn này. Bài kệ như sau:

 

      “Tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn, như bọt nước; như sương khói, như điện chớp, nên quán chiếu như thế.”

 

     ( Nguyên bản đăng trong Nguyệt San Hải Triều Âm, ngày 01 tháng 10 năm Dân Quốc 57.)