NHÂN DUYÊN KHÔNG TÁNH

 

Tác giả: Cư sĩ LÝ NHẤT QUANG

Dịch giả: THÍCH THẮNG HOAN

 

(Trích trong quyển Phật Pháp Dữ Khoa Học Đích Tỷ Giảo Xiển Thích)

 

      “Nhân Duyên” là gì? Là không có thể tánh.

      Sự sanh khởi, tồn tại, cho đến diệt vong của tất cả pháp đều là do các điều kiện quan hệ hoà hợp hoặc phân tán: điều kiện chủ yếu thân cận gọi là Nhân; điều kiện thứ yếu quan hệ xa gọi là Duyên. Khi nhân duyên hoà hợp thì các thứ pháp sanh, khi nhân duyên phân ly thì các thứ pháp diệt.

 

      “Không Tánh” là gì? 

      Sự sanh khởi hoặc sự hoại diệt của mỗi pháp không phải là tự trưởng thành đơn độc, lại cũng không phải là tự sanh tồn cô lập; cần phải tri cứu vấn đề này, bất cứ pháp nào cũng đều không có tự tánh, nghĩa là tự tánh của nó không thể tìm được nên gọi là không tánh. Tỷ dụ một cái bình chẳng hạn, cái bình đây do các nhân duyên như nước, bùn đất, nhân công..v..v.... hòa hợp tạo thành, nếu như hỏi rằng tự tánh của cái bình ở chỗ nào thì không thể tìm được. Nguyên vì cái bình là do nước, bùn đất..v..v.... hợp thành, nhưng nước và bùn đất không phải là tự tánh của cái bình. Cái bình như thế quyết định không tự tánh tự thành, thường trụ và độc lập, nên gọi là không, không có tự tánh. Vấn đề này ai ai cũng đều dễ biết. Phật Pháp sở dĩ trình bày tất cả pháp do nhân duyên sanh với mục đích là đả phá quan niệm sai lầm của “tà nhân, vô nhân, thường kiến, đoạn kiến” ..v..v...., đồng tời lại thuyết minh không tánh của tất cả pháp. Vì đã không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả nên cần phải dùng tỷ dụ để trình bày vấn đề: như giá trị tuyệt đối của số học, cái này thì không phải chính không phải phụ, chỉ là căn cứ nơi nhân tố mà có chính và phụ, mới hiển bày được lý “Tuyệt đối” của nó. “Không tánh” cũng giống như thế, nguyên vì có hai chấp “Ngã và Pháp”, nên mới hiển hiện ra đạo lý “Không Tánh”.

 

      Chúng ta sau khi đã biết vấn đề trên qua tỷ dụ và hơn nữa khi đứng trên hai chấp ngã và chấp pháp để xem thì: chính tôi thường ngày từ sáng đến chiều, tất cả lời nói, hành động, ăn uống, sinh hoạt, không lúc nào không chỗ nào mà không bàn tính có cái “Tôi” để khác biệt với người.  Như chúng ta thường nói: y phục của tôi, gia đình của tôi, tài sản của tôi...... đều là ở nơi bộ phận của cái ngã, nên gọi là “Chấp Ngã”. “Pháp” là tất cả cảnh giới của thế gian, là sáu căn nơi có thể duyên hoặc không thể duyên  của chúng ta, tức là y phục, gia đình, tài sản......; là sự vật của chúng ta giữ gìn, nên gọi là “Chấp Pháp”. Căn cứ theo những sự việc thiển cận xảy ra mà nói, cả hai chấp ngã và chấp pháp có thể dùng hai chữ bao quát là “Danh” và “Lợi”; Danh là chấp trì vô hình, lại phân biệt kia và tôi, liền sanh ra ý tưởng có chủ tể, thường trụ và độc lập. Lợi là những sự vật thật tại của con người tôi thọ dụng. Thế nên danh lợi có khi là chấp ngã và có khi là chấp pháp. Cho đến thế giới sỡ dĩ có sự tranh chấp với nhau cũng chẳng qua là vì danh lợi mà thôi. Xưa kia có một vị Hoàng Đế hỏi Tể Tướng rằng: “Trong kinh thành, mỗi ngày ra vào đại đễ có bao nhiêu người?” Tể Tướng tâu rằng: “Chỉ có hai loại người, một là danh và một là lợi”. Vấn đề đây chúng ta thấy rõ trong sự sinh hoạt hàng ngày, ai nấy đều hoàn toàn không thể ly khai và cũng không thể tránh khỏi; trên đến bậc hiền đức, dưới đến hạng ngu phu, không thời khắc nào mà chẳng tranh chấp danh lợi.

 

      Lại một tỷ dụ khác: Trường nọ có một lớp dạy về Nghi Lễ, sau khi tốt nghiệp, Hiệu Trưởng cùng học sinh thảo luận, ông hỏi một học sinh trong lớp: “Trò sau khi ra trường, đến trong xã hội, cư xử với mọi người như thế nào?” Học sinh khoái chí trả lời: “Con chuẩn bị một trăm cái mũ cao nhất”. Hiệu Trưởng ngạc nhiên hỏi: “Trò làm sao có thể dùng hết được?” Học sinh a dua trả lời: “ Thưa Hiệu Trưởng, trong xã hội có bao nhiêu người thanh cao như Hiệu Trưởng của chúng con?” Hiệu Trưởng làm thinh. Khi học sinh này ra khỏi nhà của Hiệu Trưởng liền tự lẩm bẩm một mình nói rằng: “Một trăm cái mũ cao nhất, chỉ còn lại có chín mươi chín cái mũ mà thôi”. Đây chính là chấp cái Danh của “Ngã” và cũng là chấp cái “Pháp”của Ngã. Một khi chấp trước đối với cảnh liền bị mê và lại không có năng lực tự giác. Bất luận kẻ học thức như thế nào, phú quý như thế nào, đạo đức cao thượng như thế nào, chỉ cần đối diện với cảnh hiện tiền, liền bị nó xoay chuyển và bị trầm luân mà không thể nổi lên được. Chỉ có nương tựa nơi Phật Pháp để tu trì, mới có thể một ngày giải thoát. Do đó chúng ta cần phải triệt đễ hiểu rõ hai bệnh chấp ngã và chấp pháp, đồng thời quán chiếu chiều sâu để đạt thành hai nguyên lý ngã không và pháp không:

 

     1)- NGÃ KHÔNG:

      Thông thường quan niệm chấp nhận có thân tôi chính là “Ngã Chấp”,  chúng ta luôn luôn cho thân thể của mình là tôi; trên thật tế mà nói, thân thể của chúng ta chỉ là do các nguyên tố tác dụng hợp thành, có chỗ gọi là Tứ Đại (Địa Đại, Thủy Đại, Phong Đại, Hỏa Đại) giả hợp mà thành.  Địa Đại là thể đặc, là chỉ cho da thịt, xương cốt..v..v.... Thủy Đại là chất lỏng, là chỉ cho máu huyết..v..v.... Phong Đại là thể hơi, là chỉ cho hô hấp..v..v.... Hỏa Đại là nhiệt lực, là chỉ cho thể ấm. Cho nên thân thể con người giống như một người tuyết dưới ánh sáng mặt trời, hòa tan mỗi giờ (như thể lực suy yếu), hóa hơi mỗi phút (như khí lực tiêu hao), một khắc cũng không thể dừng lại. Sở dĩ nói hình vóc con người ảo hóa không thật chính là do tứ đại giả hợp làm thành thân thể. Có người cho rằng thân thể của chúng ta dĩ nhiên đã là giả, là không; nhưng hệ thống tâm linh của chúng ta cần phải là chân thật! Nguyên vì nó chính là chủ tể, là tư tưởng, cảm tình, ý chí, nguyện vọng cho đến cá tánh..v..v.... của chúng ta. Đúng ra những vấn đề hệ thống tâm lý nêu trên cũng đều là do nguyên nhân một thứ hoặc hai thứ kích thích mà phát khởi, quyết không phải là tự thành và cũng là các pháp do nhân duyên sanh. Như tư tưởng chẳng hạn, các ông làm gì biết có tư tưởng ngày nay? Thế thì xin hỏi, vấn đế gia đình, học đường, cho đến hoàn cảnh và giáo dục của xã hội nơi quá khứ của các ông, đó là những điều kiện khiến cho sự hình thành tư tưởng của các ông ngày nay phải không? Giả sử rút bỏ đi những bối cảnh giáo dục này, các ông có thể xuất hiện một thứ tư tưởng khác  không? Hơn nữa vấn đề cảm tình, vì nó mà con người khiến phải ngược xuôi bôn ba tìm kiếm suốt đời nhưng rốt cuộc vẫn không thỏa mãn; quả thật mà nói những thứ tình cảm đây khác nào: “Gió thổi mây trắng bổng nhiên trở thành chó xanh, thiên biến vạn hóa kỳ lạ không có thật”. Như giữa hai người cảm tình, đáng lẽ đối xử với nhau rất tốt giống như tay chân, bổng nhiên vì lời nói hoặc hành động không vừa lòng nhau, hai người lập tức trở thành sức mẻ hẳn đi. Như vậy tâm của họ cuối cùng ở chỗ nào? Ai nấy cũng đều không có phương pháp quyết định cả. Từ đó hệ thống tâm lý cũng gọi là “Không”. Do nơi thân và tâm cả hai đều không ở trên cho nên mới có danh xưng là “Ngã Không”.

 

      2)- PHÁP KHÔNG:

      Ngã chấp đã rõ, lại phát sanh ra một thứ vọng niệm chấp ngoài tâm có: hữu vi, vô vi cho là thật pháp. Như tôi thấy đóa hoa, đóa hoa mà tôi thấy tức là pháp. Trên thực tế, đóa hoa là pháp do nhân duyên sanh, là không không phải thật có. Đóa hoa mà tôi có thể thấy được, theo Duy Thức Học nói phải có đầy đủ mười thứ nhân duyên: căn duyên, cảnh duyên, không duyên, minh duyên, tác ý duyên, phân biệt y duyên, nhiễm tịnh y duyên, căn bổn y duyên, chủng tử y duyên, đẳng vô gián duyên. Phần dưới lại là trình bày rõ ý nghĩa mười duyên này:

 

      1- Căn Duyên: đương dùng mắt thịt để thấy hoa, khi mắt thịt bị hư hoại thì không thể thấy hoa, mắt thịt tức là Căn Nguyên.

 

      2- Cảnh Duyên: như tôi thấy hoa, có bản thân của đóa hoa tồn tại mới có thể nhìn thấy, đóa hoa đây tức là Cảnh Duyên.

 

      3- Không Duyên: khoảng cách của đóa hoa có nhất định, rất gần và rất xa không thể nhìn thấy, khoảng cách không gian đây thích hợp chính là Không Duyên.

 

      4- Minh Duyên: đóa hoa nếu như ở chỗ đen tối thì không thể nhìn thấy, phải có đầy đủ ánh sáng thì mới có thể nhìn thấy, ánh sáng đầy đủ đây chính là Minh Duyên.

 

      5- Tác Ý Duyên: khi chú ý đến hoa thì mới có thể thấy, khi không chú ý đến hoa thì không có thể thấy được. Chú ý đây chính là Tác Ý Duyên.

 

      6- Phân Biệt Y Duyên: đóa hoa rất diễm lệ, rất xinh đẹp, màu đỏ tươi, màu đỏ thẫm đều là do tâm phân biệt mà khởi lên, mọi người thấy hoa, mọi người ý niệm về hoa không giống nhau, đó gọi là Phân Biệt Y Duyên.

 

      7- Nhiễm Tịnh Y Duyên: biết sự tốt đẹp của đóa hoa liền khởi tâm tham lam yêu ghét là Nhiễm Tịnh Y Duyên.

 

      8- Căn Bản Y Duyên: đóa hoa sở dĩ có thể hiện bày là do bản chất của Thức thứ tám phát khởi, nên gọi là Căn Bản Y Duyên.

 

      9- Chủng Tử Y Duyên: đóa hoa thì có hạt giống của nó, thứ hạt giống này cũng không phải thứ hạt giống của thế tục quan niệm, thứ hạt giống này là do trong “Thức thứ tám” phát khởi “Hiện Hành” để hiện bày, nên gọi là Chủng Tử Y Duyên.

 

      10- Đẳng Vô Gián Duyên: niệm trước diệt thì niệm sau phát sanh, đó là chỉ cho Thức Duyên liên tục không gián đoạn; cũng chính la Y Duyên hướng dẫn trước diệt sau sanh, nên gọi là Đẳng Vô Gián Duyên.

 

      Chẳng những mười duyên này nhất định thiếu một không thể được, dù rằng mười duyên hơi có sai lệch, chỗ thấy đóa hoa lại cũng hoàn toàn không giống nhau! Nơi trong mắt tâm của người thường thấy hoa, nói chung chẳng qua chỉ dùng con mắt thịt để xem hoa mà thôi, nhưng họ không biết rõ trong đó có nhiều duyên như thế! Nhiều duyên đây tạo ra mộng cũng không thể tưởng đến được. Nay chỉ cần sử dụng hai thứ duyên căn và cảnh để bàn! Vấn đề này cũng không phải chỗ người thông thường có thể nhận thức rõ ràng, trên thực tế vẫn còn rất phức tạp. Trong đây trước hết dùng một phương pháp thực nghiệm để chứng minh hai duyên căn và cảnh, chỗ hình thành ngàn sai muôn khác trong thế gian, đều không phải chân tướng của sự vật hiện tiền; như hình vẻ (1) biểu hiện, một bánh xe có sơn màu đen trắng xen kẻ gắng vào một trong hai đầu động cơ và tiếp theo xem động cơ chuyển động. Khi động cơ chuyển động, ngay lúc đó hai màu đen trắng không thể nào thấy được; nếu như dùng một đôi âm thoa (dụng cụ âm thanh) trên hai âm thoa gắng hai miếng sắt, giữa hai miếng sắt có một kẽ hở, đồng thời hai âm thoa chấn động, nếu khi số chấn động của âm thoa cùng với động cơ đồng bộ quay nhanh, ngay lúc đó mắt thịt nhơn kẻ hở nhìn vào sẽ thấy hai màu đen trắng lại hiện rõ phi thường, hiện rõ giống nhau như khi động cơ chưa chuyển động. Đây chính là chứng minh tình trạng sai khác của hai duyên  căn và cảnh, chỗ thấy được của hai duyên căn và cảnh lại có ngàn sai muôn khác mà tất cả thấy được đều không phải tướng chân thật. Tiện đây có thể so sánh rằng: sự chấn động của âm thoa là đại diện cho sự nhịp đập nơi các tế bào con mắt của căn duyên, còn sự quay chuyển của động cơ chính là biểu tượng sự cải biến không ngừng ở nơi đóa hoa của cảnh duyên. Tại sao thế? Trước hết nói đến con mắt biến hóa giống như âm thoa, dẫn một sự thật để chứng minh: “Bác Sĩ Đại Học Hải Sĩ Mỹ Quốc Chi Gia Ca phát hiện: một người xem họa đồ đến khi họ không còn thích xem nữa thì con ngươi của họ thu hẹp lại; còn con người khi thích xem họa đồ thì con ngươi của họ lại mở to ra. Hơn nữa con ngươi của nhân loại  khi mở to và thâu hẹp như thế nào một cá nhân không thể hoặc không muốn dùng ngôn ngữ để bày tỏ cảm tình biểu lộ ra ngoài.” Do đó có thể biết, tâm lý tinh thần ảnh hưởng đến con ngươi mở to hoặc thu hẹp; sự mở to hoặc thu hẹp của con ngươi là biểu tượng số chấn của âm thoa, cố nhiên ảnh hưởng đến chỗ thấy sự vật của con ngươi bị biến động không ngừng. Thứ đến nói về đóa hoa, hình dáng của nó giống như động cơ xoay chuyển không dừng nghỉ. Theo nhà khoa học giải thích: “Tất cả đều là ba động, chúng ta sống ở trong thế giới ba động này.” Trên thực tế  đóa hoa là do điện tử ba động hợp lại kết thành nguyên tử ba động, rồi nguyên tử ba động tái hợp lần nữa để kết thành phân tử ba động và phân tử ba động chính là chỗ sát na sát na cải biến; ở trong thời gian trước và sau, đóa hoa vẫn hoàn toàn không phải là chân diện mục có từ nguyên thể. Chỉ dùng hai duyên căn và cảnh này trình bày cũng đã chứng thật được giá trị của pháp không, như: thường ngày người say rượu thì thấy đất động, người bị bệnh có thể thấy ma quỹ, cho đến Y Học chiếu quang tuyến X để xem thân người và lúc đó ai cũng đều thấy được giá trị của nó mà ở trên đã lý giải. Nhân đây mỗi một sự vật muốn tìm kiếm bản lai chân diện mục của nó cũng không thể đạt được; đã không có thể  đạt được bản tánh chân thật của nó cho nên nói là “Không Tánh”. Đóa hoa là một pháp trong tất cả pháp, một pháp đã là không thì tất nhiên tất cả pháp cũng đều “Không”, nên gọi là “Pháp Không”.

 

      Phần trước đã tách riêng hai chấp ngã và pháp để thuyết minh tánh không. Nhưng hai thứ chấp này thì rất ăn khớp với nhau; đương lúc nói đến ngã liền bàn đến pháp, khi bàn đến pháp thì lại nói đến ngã. Cho nên hai thứ chấp này nếu phân tách thì không thể rời nhau, còn nếu như hợp nhau lại thì cũng không thể hòa. Nói chung trên sự thật, hiểu được khoảng cách của hai chấp, khoảng cách này lại có một đoạn rất dài; nên nghĩ rằng nếu hợp nhau lại thật là không phải dễ. Hợp nhau lại để làm gì? Nguyên do khi tôi thấy đóa hoa, cái ngã (ngã chấp) của năng thấy quan hệ là do tâm phát khởi; đóa hoa (pháp chấp) của chỗ thấy là cảnh giới ở ngoài tâm, một trong một ngoài không phải là có một đoạn khoảng cách sao? Giả như hôm nay bàn đến cần tiêu trừ đoạn khoảng cách này, tất nhiên phải phân biệt ý nghĩa bao gồm các chữ sau đây.

 

·      “Kiến  ánh sáng của ngoại giới kích thích con mắt, trải qua bộ máy não, từ tánh giác mà phát sanh một thứ tác dụng cảm giác nhìn thấy.

·      “Niệm” là do trí nhớ đối với cảnh nhớ mãi không quên và giữ gìn cảnh không mất gọi là niệm.

·      “Quán” là quán sát vọng niệm lên xuống gọi là quán.

·      “Giác” là một thứ bản năng chân thật của con người đã có, nó không đến không đi, không sanh không diệt.

 

      Chúng ta phân biệt biết rõ bốn chữ này thì có thể dụng công ra tay; ánh sáng trên con mắt bị đóng lại thì đóa hoa đây tức khắc tợ hồ như ở trong tợ hồ như ở ngoài, hoảng hoảng hốt hốt, mò mẫm không nhất định. Giả sử bình thường lời nói có chỗ quyết định như: do “tôi nhìn thấy đóa hoa” trở thành là “tôi quán hoa”; trong nháy mắt đóa hoa ngoại cảnh lại bị diệt trừ, chỉ còn có quán đóa hoa của ý niệm ban đầu phát khởi trong tâm của tôi, nghĩa là chỉ còn lại hai vấn đề “Quán” và “Niệm” mà thôi. Từ đó không gian khoảng cách của hai chấp ngã (tôi quán) và pháp (đóa hoa ý niệm) đây tức khắc cũng hoàn toàn bị tiêu mất, nguyên vì cả hai đều là do tâm niệm mà phát khởi. Nhưng căn cứ nơi thời gian để nói, hai vấn đề chấp ngã (tôi quán) và chấp pháp (đóa hoa ý niệm) vẫn y như cũ nghĩa là (tôi quán) có trước và (đóa hoa ý niệm) có sau. Cái gì là nguyên nhân? Trước hết xin xem sự phân tích dưới đây: Nếu như đem vấn đề “Quán” đang tác dụng mà nói, nó phát khởi từ nơi bản tánh, nó cũng chính là “Giác”và “Giác” cũng là bản tánh, cũng là cái gì mà trước kia cả đông lẫn tây đều chưa sanh khởi, nó hoàn toàn thanh tịnh, lại có thể dùng một thứ đường thẳng để hình dung nó như hình vẻ (2)

 biểu hiện, đúng như những lời của đức Phật đã dạy: “Chân tâm là đạo tràng”. Tâm nếu như đã khởi động niệm thì chân tâm chắc chắn không an trụ, tâm lúc đó trở nên xiêu xẹo, biến thành làn sóng hình tướng không ngay ngắn giống như hình vẻ (3). Thứ ác niệm này một khi phát khởi, nếu như người có hơi chút tu trì thì lập tức giác ngộ được ngay. Đúng như lời của Đại Thừa Khở Tín Luận nói: “Vì giác ngộ biết được niệm trước khởi ác, có thể đình chỉ niệm sau khiến nó không cho phát khởi. Trường hợp đó mặc dù gọi là giác nhưng thật ra chính là bất giác.” Đây là quan niệm của phàm phu chúng ta, đương lúc niệm trước phát khởi ác, niệm sau lại khiến nó không cho khởi, như thế một cái (niệm) tiếp theo một cái (niệm) thì không thể cho là “Giác”. Giả như đem hai hình vẻ phía trước hợp nhau lại liền thấy hiện tượng bất giác xuất hiện, như hình vẻ (4) biểu hiện, nghĩa là trước thuộc bất giác sau thuộc giác cái bất giác. Một trước một sau đây chính là nhân tố tồn tại của thời gian. Nếu như bảo rằng cho thời gian một trước một sau cũng tiêu trừ luôn là chỉ thấy được ở nơi công phu tu trì của chúng ta. Có khả năng nơi niệm trước khởi ác, niệm sau đình chỉ không cho tái khởi, như thế một cái theo chân một cái ở nơi người thường thì cho là đúng, nhưng ở nơi Phật Pháp mà nói, đó là bất giác. Theo Phật Pháp phải như thế nào mới cho là giác? Muốn được gọi là giác, tất nhiên đòi hỏi thêm một lớp hạ thủ công phu càng sâu hơn nữa. Nên biết rằng khi hạ thủ công phu, đầu tiên cần phải hiểu rõ phương pháp phân định đối với niệm khởi và niệm diệt trong Phật Pháp: “Một niệm có chín mươi sát na, một sát na có chín trăm của bốn tướng sanh, trụ, dị, diệt.”  Ý nghĩa của bốn tướng được giải thích theo đây: như thân thể của sanh mạng con người gồm có bốn tướng là sanh, già, bệnh, chết; còn vật chất lại có bốn giai đoạn là thành, trụ, hoại, không; cho nên tinh thần cũng có biến đổi theo bốn tướng sanh, trụ, dị, diệt nói trên. Đây là người thường không dễ gì biết rõ. Căn cứ nơi sau khi phân định được niệm khởi niệm diệt này, dùng hình vẻ (3) để biểu tượng làn sóng

 niệm ác không ngay ngắn đang xuất hiện suy tưởng “sanh, trụ, dị, diệt”. Nơi hình vẻ bốn tướng của niệm, dùng một làn sóng răng cưa đơn thuần để thay thế bốn tướng cơ bản thay đổi của niệm ác. Như phân nửa phía trên phần (A) của hình vẻ (5) biểu hiện.

Nhơn đây chúng ta có thể khái niệm tổng quát: Thời gian của niệm từ khi sanh cho đến khi diệt so sánh giống như thời gian nguồn tia điện tử bắn đến màn ảnh của máy truyền hình. Chúng ta hoàn toàn biết rõ thời gian sanh diệt của niệm ban đầu là nhanh như thế, ngay khi khởi một niệm ác lập tức quán chiếu nó, nhưng nó đã đến quá sớm dù cho quán chiếu cũng không kịp. Nếu có thể được là từ nơi chỗ hiện tượng không gián đoạn này, chúng ta càng nổ lực dụng công hơn nữa, nẻo trước không phải là quán thường lạc mà suốt ngày phải thường ở trong quán chiếu khiến cho được thành tựu “Quán Hạnh Giác”. Như phần (A) của hình vẻ (5) biểu hiện. Quán Hạnh Tức Phật Tụng giải thích rằng: “ Mỗi niệm mỗi niệm quán chiếu lý vô thường, mỗi tâm niệm mỗi tâm niệm dứt hẳn huyễn trần; quán khắp các pháp tánh không giả cũng không chân”.  Đây cũng chính là nói đem tâm niệm quán chiếu đạt được cơ sở thanh tịnh thì các huyễn trần riêng biệt hoàn toàn tiêu diệt, các pháp Không và Giả đây cũng không chân thật, tất cả đều là do chỗ tâm niệm hiện ra. Lúc bấy giờ công phu của chúng ta có thể nói đã đi sâu được một lớp, ngay khi đó cũng có thể tri giác được tướng “Dị” (khác) của niệm, khi ấy đã xả bỏ hẳn sự phân biệt phần thô mà không có tướng chấp trước nữa nên gọi là “Tương Tợ Giác”. Như phần (B) của hình vẽ (5) biểu hiện. Lúc này “Giác” cùng với “Niệm” thời gian cách nhau và cũng rút ngắn lại không ít. Giả sử chúng ta dùng thời gian hiện đại để hình dung hai thời gian cách biệt nhau đó, không khác nào thời gian của pha lê có quang tuyến xuyên xuyên qua. Công phu đến chỗ này tường vách đều nhìn thấy rõ như thường; như trong quyển “Hư Vân Lão Hòa Thượng Niên Phổ” đã trình bày, tường vách tuy ngăn cách có thể nhìn thấy được các thứ động tác của con người. Lý này cũng có thể sử dụng tình hình âm thoa và động cơ mà xuy luận để biết được nó. Chẳng qua Phật Pháp đều không chú trọng thứ thần thông này, chủ yếu là giải thoát sự thống khổ về mê chấp của nhân sanh. Nhờ ở trong công phu của tu trì, tuy không đoán được chỗ đi đến, nhưng công phu cũng  thể giúp tri giác được tướng “Trụ” của niệm. Đây là nhờ ly khai hẳn vọng tướng phân biệt và tùy theo chỗ chứng đắc sâu cạn không giống nhau của mỗi người, cho nên được gọi là “Tùy Phần Giác”. Như phần (C) của hình vẽ (5) biểu hiện, lúc này “Giác” cùng với “Niệm” hai thời gian đó cách biệt nhau, cũng như thời gian của quang tuyến xuyên suốt chỗ nhu cầu của hạt nhân nguyên tử. Lúc bấy giờ cảnh giới cũng không phải là chỗ phàm phu chúng ta có thể tưởng tượng vói tới. Bất quá ở đây đầu sào trăm thước lại gia công nổ lực thì mới có thể suy cứu đến được “Cái ngã của năng không” cùng với “Cái pháp của sở không”; cũng tức là “Giác” cùng với “Niệm” hòa hợp lại vào một. Như Khởi Tín Luận giải thích rằng: “Như Bồ Tát Địa Tận, đầy đủ phương tiện, một niệm tương ứng, giác tâm bắt đầu khởi, tâm không có tướng ban đầu. Do xa lìa được niệm vi tế, thấy đặng tâm tánh, tâm liền thường trụ, gọi là Cứu Cánh Giác.” Khi đã đến cảnh giới này thường được viên mãn. Cho nên hai chấp ngã và pháp ở nơi không gian nó đã chẳng còn tồn tại, ở nơi thời gian nó cũng không phân chia trước sau. Niệm cùng với giác chính là một khoản trực tuyến, như phần (D) của hình vẽ (5) biểu hiện. Đồng thời vắng lặng mà thường chiếu, chiếu mà thường vắng lặng, không trước không sau, không bờ mé, khâông chỗ tựa. Niệm tức là giác, giác tức là niệm; ngã tức là pháp, pháp tức là ngã; nhân duyên tức là không tánh, nhân duyên chẳng lìa không tánh, cho nên gọi là “Nhân Duyên Không Tánh.”

 

(Bảng chánh đăng trong Nguyệt San Giác Thế thứ 437 và 438 năm Dân Quốc 58)